Nhóm Nghiên cứu – Họ là ai?
— Từ khi còn rất nhỏ, trẻ con thuộc nhóm này đã thích các hoạt động đòi hỏi việc quan sát, tìm tòi, học hỏi về thế giới xung quanh, từ hiện tượng vật lý, sinh học cho đến văn hóa xã hội. Các bé thích đặt những câu hỏi, ‘tại sao, vì đâu, như thế nào, …’ trong những cuộc chuyện trò với cha mẹ. Những câu hỏi đó có thể làm cha mẹ nhức đầu vì các bé sẽ không ngừng hỏi cho đến khi thật sự thỏa mãn với câu trả lời nhận được. Cuốn sách, ‘1000 câu hỏi vì sao’ sẽ là một món quà tuyệt diệu cho các bé nhóm Nghiên cứu và dĩ nhiên cho cả cha mẹ của họ nữa vì đỡ phải vò đầu bức tóc tìm câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa của con mình.
— Vào tuổi đi học, các em thích học những môn học thuộc khối khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh hay những môn học thuộc khối khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa. Các em thích học và học giỏi cho nên dễ dàng nổi bật trong lớp, được thầy cô thương mến và bạn bè nể phục. Các em học lý thuyết rất nhanh, không ngại tìm tòi những tài liệu bên ngoài lớp học, do đó, các em sẽ rất khó chịu nếu thầy cô giảng dạy mình không hiểu sâu đề tài họ dạy. Nói ngắn gọn, các em chỉ phục những người học sâu hiểu rộng.
— Điểm mạnh của các em là khả năng học hỏi từ sách vở; các em có khả năng học sâu và học cao một lĩnh vực yêu thích. Các em thường được bạn bè nể phục vì kiến thức, sự nổi trội trong học hành, và khả năng phân tích. Khi bạn bè cần giải quyết vấn đề, các em rất giỏi trong việc giúp họ phân tích, suy xét mọi khía cạnh trước khi ra quyết định tốt nhất. Các em thường làm cha mẹ yên lòng vì luôn là học sinh giỏi và vì sự nghiêm túc trong cuộc sống thường ngày.
— Điểm yếu của các bạn trẻ nhóm Nghiên cứu liên quan đến tính cách không thích thuyết phục người khác, không ưa nắm vai trò lãnh đạo và không thích xã giao. Các em không kiên nhẫn giao tiếp với những ai không có khả năng trí tuệ ngang với mình; do đó, dễ bị xem là người cao ngạo bởi bạn bè cùng tuổi. Các em thích làm việc một mình và ghét phải thuyết phục người khác, dẫn đến việc nhiều khi có ý tưởng rất hay nhưng không được thực hiện. Vì không thích xã giao, các em có khi rất cô đơn vì ít bạn. Cuối cùng, vì sở thích học hỏi và hay suy nghĩ, nếu không cân bằng cuộc sống bằng các hoạt động vận động hay các cuộc đi chơi với bạn bè, các em dễ rơi vào tình trạng căng thẳng hoặc rất cô đơn.
Những người thuộc nhóm Nghiên cứu phù hợp với các ngành học và công việc nào?
Vì những đặc điểm đã nhắc đến ở trên, những em nào có khả năng và sở thích tự nhiên thuộc nhóm Nghiên cứu rất phù hợp với các chương trình đào tạo một trong hai lĩnh vực sau: khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.
Trong khối khoa học tự nhiên, các em sẽ hợp với các ngành học liên quan đến Khoa học Tự nhiên & Công nghệ, Công nghệ Y khoa, Chẩn đoán Y khoa & Điều trị, và Khoa học Xã hội. Một số ngành học cụ thể bao gồm
— Kiến trúc, kỹ sư cơ khí, kỹ thuật viên trong các lĩnh vực khác nhau
— Sinh vật học, công nghệ thực phẩm, địa chất học, vật lí học
— Dinh dưỡng học, nhãn khoa, dược, nha khoa, y tá, thú y
— Nhân chủng học, tội phạm học, khoa học chính trị, tâm lý học, tâm thần học, xã hội học, ngôn ngữ học [1]
Khi bước chân vào thị trường lao động, các em thường sẽ thoải mái khi làm những công việc nào phải tiếp xúc với sách vở, nghiên cứu, phòng thí nghiệm. Các em thích các ‘hoạt động ý tưởng’ liên quan đến quy trình suy nghĩ nội tại (intrapersonal) như chế tạo, khám phá, diễn giải, tổng hợp các trừu tượng hoặc triển khai ứng dụng các trừu tượng. Ví dụ: các nhà khoa học, nhạc sĩ và triết gia làm việc chủ yếu với những ý tưởng.
Ảnh hưởng giới tính
Ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, và các nước Châu Âu, luôn có những quỹ học bổng đặc biệt để khuyến khích các em gái theo ngành học và nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiên cứu. Lý do là vì một số lớn nghiên cứu cho thấy sau cấp 2, các nữ sinh từ từ mất đi tự tin là mình sẽ học tốt những ngành học thuộc nhóm này và khi bước chân vào thị trường lao động, các em cũng sẽ ít có cơ hội thăng tiến hơn những bạn nam cùng lứa.
Trong thời gian làm việc trong lĩnh vực hướng nghiệp tại Việt Nam trong 9 năm qua. Các em nữ thuộc nhóm này thường tâm sự rằng cha mẹ hay khuyên họ chuyển qua học các ngành kinh tế như tài chính – ngân hàng (cũng là các ngành đòi hỏi khả năng thuộc nhóm Nghiên cứu khác cao) vì lý do con gái học ngành công nghệ – y – tâm lý – xã hội sẽ cực. Gia đình cũng lo các em sau khi lập gia đình, trong vai trò làm mẹ, làm vợ cũng sẽ khó cân bằng được đời sống của bản thân.
Trong khi đó, các anh chị ở vai trò quản lý và lãnh đạo của các công ty đa quốc gia thuộc nhóm ngành Nghiên cứu như Bosch, Schindler, Intel, lại rất mong chờ để tuyển dụng nữ nhân viên. Các anh chị cho biết nữ nhân viên trong nhóm ngành này có những khả năng mà nam giới thiếu như làm việc nhóm, sự uyển chuyển và linh hoạt trong gỉai quyết vấn đề, cách nhìn và tiếp cận vấn đề khác đi, …
Kết
Rất ít trường hợp một bạn trẻ chỉ có đặc điểm của một nhóm nào đó. Do đó, các em và cha mẹ nên quan sát kỹ để biết bạn trẻ ngoài nhóm Nghiên cứu ra còn đặc điểm của nhóm nào nữa không. Sự kết hợp giữa hai hay ba nhóm mới cho thấy một bức tranh toàn cảnh hơn về sở thích và khả năng tự nhiên của các em.
Vì điểm yếu của các em là không thích giao tiếp, thích suy nghĩ, và có khi trở nên cực đoan khi đã tin vào điều gì đó, nên cha mẹ có thể giúp các em bằng cách từ nhỏ khuyến khích các em tham gia các hoạt động ngoài trời, chơi thể thao hay tập thể hình, hoặc học những môn học trong nhóm ngành sáng tạo như vẽ, hát, nhạc, nhảy, viết, … để giúp cho trí não được thả lỏng.
Hy vọng các em thuộc nhóm Nghiên cứu và quý cha mẹ có con thuộc nhóm này hiểu rõ bản thân và con mình hơn qua bài viết này. Chúc các em và quý cha mẹ tìm ra câu trả lời hướng nghiệp phù hợp nhất.
—
Nguồn bài viết
[1] The ACT, Inc. (2009). The ACT Interest Inventory technical manual. Available from https://www.act.org/content/dam/act/unsecured/documents/ACTInterestInventoryTechnicalManual.pdf