top of page

Nhóm Nghệ thuật

Jul 10, 2020

7 min read

0

0

0

Hãy cảm thông cho những đứa con sáng tạo!

Trong những năm làm tư vấn hướng nghiệp cho các em và gia đình, tôi thường xuyên gặp các em có sở thích và khả năng thuộc nhóm Nghệ thuật nhưng bị cha mẹ ép hay hướng đi học một ngành khác vì lý do ổn định, an toàn, dễ tìm việc, hay theo truyền thống gia đình.  Kết quả của những quyết định nghề nghiệp này thường rất tiêu cực cho bản thân các em cũng như gia đình. Đó là lý do chính của bài viết hôm nay, với mong ước giải thích đến các bậc cha mẹ những đặc điểm của các em thuộc nhóm sở thích và khả năng nghệ thuật, vì sao không nên hoảng sợ khi con cái mình thích những ngành nghề có đặc điểm của nhóm này, làm cách nào giúp các em nuôi dưỡng ưu điểm tự nhiên mà vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho một công việc thực tế trong tương lai nhằm mục tiêu tự lập về tài chính. Bài viết này không trực tiếp trả lời câu hỏi, ‘người thuộc nhóm ngành này nên học gì và sẽ làm công việc gì trong tương lai.’

 

Nhóm Nghệ thuật –  họ là ai?

Theo học thuyết Holland về các nhóm sở thích và khả năng nghề nghiệp thì mỗi người chúng ta có thể thuộc vào 1, 2, 3 (hay hơn) nhóm sở thích và khả năng. Khi biết bản thân thuộc về nhóm nào, chúng ta sẽ từ từ tìm hiểu, trải nghiệm, xác định được những kỹ năng mình giỏi tự nhiên, rồi từ đó quyết định con đường nghề nghiệp nào mình nên theo đuổi trong tương lai.

Theo học thuyết Holland, nhóm người Nghệ thuật có đặc điểm như sau:

— Họ thích sự tự do trong mọi chuyện. Họ không thể chịu đựng được sự gò ép hay phải theo khuôn khổ

— Họ có trí tưởng tượng khá phong phú, có trực giác mạnh, và có khả năng sáng tạo

— Họ yêu thích cái đẹp và dễ bị hấp dẫn bởi cái đẹp (thiên nhiên, con người, đồ vật…)

— Họ có một hay nhiều khả năng trong nhóm sau: khiếu thẩm mỹ, ăn mặc đẹp, phối màu, vẽ, viết, nhảy, hát, chụp hình, quay phim, chơi một nhạc cụ, thẩm âm…

— Họ không thích giống người khác và luôn thích làm sao để mình khác người xung quanh

Nếu một bạn trẻ từ rất nhỏ đã cho thấy các đặc điểm trên cũng như có lòng yêu thích các môn học và hoạt động liên quan đến mảng sáng tạo và nghệ thuật; các em dù có thể học những môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội tốt nhưng không mấy hứng thú với chúng lắm; với các em này, yếu tố giúp họ có động lực học và tự tin nhất vẫn là những môn học liên quan đến sự sáng tạo và cái đẹp. Tất cả những điều tôi vừa kể ra cho thấy em thực sự thuộc về nhóm Nghệ thuật. Trong những trường hợp này, cha mẹ nên cho phép em phát triển tự nhiên theo năng khiếu của mình.

Như đã nói ở trên, người thuộc nhóm Nghệ thuật vẫn có thể có những nhóm khác trong năm nhóm còn lại, và đặc điểm của nhóm còn lại này sẽ ảnh hưởng đến khả năng và sở thích của họ. Nhưng chính yếu thì ngành đào tạo và nghề nghiệp họ phù hợp phải có những đặc điểm ‘sáng tạo, liên quan đến cái đẹp, không gò bó, sử dụng trực giác, …’’.


Nỗi sợ từ đâu đến?

Khi cha mẹ cảm thấy lo lắng khi thấy con có những thiên hướng thuộc về nhóm Nghệ thuật, câu hỏi đầu tiên tôi đề nghị họ tự hỏi mình là, ‘Vì sao mình sợ đến như vậy? Vì sao mình không muốn con theo hướng nghề nghiệp này? Từ đâu mình định ra ý tưởng ấy?’ Câu trả lời thường là, ‘Vì theo những kinh nghiệm tôi thấy và đã trải qua thì nhóm ngành nghề này không tốt cho tương lai của con tôi.’

Đúng vậy, chúng ta trong vai trò làm cha làm mẹ thường hay nuôi dạy con, hướng dẫn con, hướng nghiệp con theo kinh nghiệm của bản thân mình. Điều này không có gì sai trái cả. Có điều ở thời đại hiện tại, thị trường lao động hôm nay và ngày mai thay đổi đến chóng mặt. Và những gì các bậc cha mẹ cho rằng ‘đúng’ trong thế hệ của bản thân chưa chắc vẫn còn là ‘đúng’ cho thế hệ con mình. Như một câu thơ cổ đã viết, ‘Con cái là con cái của tương lai.’ Do đó, trong phần hai này, tôi xin trình bày cho quý cha mẹ thấy vì sao nỗi lo sợ của các anh chị đang không còn phù hợp nữa.

Tùy vào sự kết hợp giữa các nhóm sở thích và khả năng mà các em sẽ chọn những ngành học khác nhau. Với nhóm Nghệ thuật làm chủ đạo, các em có thể sẽ phù hợp từ ngành học Thiết kế đồ họa cho đến Ngoại ngữ, Thanh nhạc cho đến Kinh doanh thời trang. Dù các ngành học ngày khác nhau, nhưng nhóm ngành Nghệ thuật vẫn nổi bật nhất trong việc giúp các em rèn luyện các kỹ năng tuyển dụng sau:

— Kỹ năng thiết kế trên giấy hay trên máy vi tính

— Kỹ năng tưởng tượng và sáng tạo, không đi theo lối mòn, suy nghĩ không hạn hẹp

— Kỹ năng nhạy cảm với cái đẹp, với màu sắc, với sự hài hòa trong đồ vật, không gian, hay nơi chốn

— Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt ý tưởng của mình chính xác  

— Kỹ năng sử dụng hình ảnh và công nghệ thông tin để chuyển tải những nội dung cần chuyển tải đến người khác

Bên cạnh những kỹ năng trên, tùy vào các ngành chuyên môn các em chọn mà các em sẽ rèn luyện được những kỹ năng tuyển dụng khác nữa. Nếu ta nhìn vào thị trường lao động với các lĩnh vực khác nhau đang cần nhân lực, thì ta sẽ thấy ngành quảng cáo đang phát triển mạnh và nhanh chóng. Nhân lực trong ngành quảng cáo cần những yếu tố, điểm mạnh, và kỹ năng mà các em có sở thích và khả năng thuộc nhóm Nghệ thuật có (nếu được trau dồi, đào tạo, và phát triển theo tự nhiên).

Vì vậy, nỗi lo rằng những bạn trẻ thuộc nhóm Nghệ thuật trong tương lai không tìm được vị trí trong xã hội, không tìm được công việc, hay không tự lập được tài chính hoàn toàn không còn thực tế nữa.


Nuôi dưỡng theo sở thích và khả năng tự nhiên

Thay vì làm theo nỗi lo sợ thiếu thực tế trên, thay vì ép con theo ngành học mà quý cha mẹ nghĩ rằng sẽ an toàn, ổn định, giúp các em tìm được việc làm trong tương lai, thì quý cha mẹ nên:

— giúp các em nuôi dưỡng ưu điểm tự nhiên của chúng từ sớm bằng cách để chúng phát triển tự nhiên, cho phép học thêm những môn chúng thích (ví dụ như Văn, Nhạc, Hoạ, …), không ép chúng phải giỏi các môn chúng không giỏi tự nhiên (ví dụ như Toán, Lý, …), cùng các em tìm hiểu lĩnh vực chúng yêu thích, dành thời gian tham gia các hoạt động các em thích, quan sát và cùng các em chiêm nghiệm xem các em thật sự có thích và giỏi gì, nếu các em thay đổi thì cứ cho phép các em thay đổi vì bên trong nhóm ngành này có rất nhiều nhóm nhỏ khác mà chỉ khi có trải nghiệm đủ các em mới biết điểm mạnh thật sự của mình là gì.

— cùng các em tìm hiểu, nghiên cứu, đọc sách, xem phim, để hiểu hơn về lĩnh vực các em thích và những nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực ấy trong thị trường lao động hiện tại. Cập nhật thông tin thường xuyên, thảo luận cùng các em để các em thực tiễn trong sở thích của mình.

— khuyến khích các em xây dựng kỹ năng sống và những kỹ năng mà bất cứ một công dân chuyên nghiệp nào cũng cần trong môi trường làm việc hiện đại, bao gồm kỹ năng giao tiếp với người lạ, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng dùng một ngoại ngữ ngoài tiếng Việt, kỹ năng suy nghĩ tư duy, kỹ năng dùng các thiết bị công nghệ thông tin một cách cân bằng cho cuộc sống, vv.  

Lý do là vì chỉ cần một người hiểu rõ bản thân, được phát triển theo tự nhiên, được rèn luyện các kỹ năng sống từ sớm, luôn cập nhật thông tin về thị trường lao động, thì họ sẽ tự tin và vững vàng trên con đường đi tìm một nghề nghiệp phù hợp và mang lại hạnh phúc cũng như khả năng tự lập tài chính cho mình.  Cha mẹ không cần phải quyết định giùm họ, sẽ không thể học giúp họ, và càng không nên tìm việc cho họ.

Để hết bài viết này, tôi xin mượn một lời của một cựu sinh viên ngành Thiết kế khi trò chuyện với em gái mình đã nói, ‘Những gì ba mẹ có thể làm lúc này, chỉ là giúp anh no bụng, cho anh chỗ ở, lắng nghe tâm sự của anh và đặt lòng tin vào anh. Đó là tất cả những gì anh cần ở họ trên con đường của mình. Và họ rất tuyệt vời.’

Chúc quý cha mẹ bình an.

Thông tin về tác giả Phoenix Hồ Phụng Hoàng

Chị Phoenix Hồ có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh. Chị đã tham gia giảng dạy nhiều lớp hướng nghiệp cho giáo viên cấp 2, 3; và là tác giả cuốn sách “Cứ đi để lối thành đường”, với chủ đề về hướng nghiệp cho học sinh sinh viên.

Chị Phoenix có bằng Thạc sĩ Tư vấn và Phát triển Hướng nghiệp của trường Đại học Santa Clara (Mỹ) và bằng Thạc sĩ Quản trị Giáo dục của trường Đại học RMIT. Chị từng giữ vị trí Quản lý tư vấn và hướng nghiệp tại trường Đại học RMIT Việt Nam trong nhiều năm.


Nguồn: RMIT Vietnam

Comments

Share Your ThoughtsBe the first to write a comment.
bottom of page