Vấn nạn bắt nạt qua mạng (cyberbullying) và những điều cần lưu ý
Jan 2, 2022
5 min read
0
0
0
Bắt nạt qua mạng là gì?
Bắt nạt qua mạng là khi bất cứ một cá nhân nào bị đe dọa, xâm hại, làm nhục, làm mất mặt/xấu hổ hoặc tra tấn bằng tinh thần qua tin nhắn, mạng Internet, các trang mạng xã hội và qua các thiết bị điện tử. Đó là những hành vi hoặc hành động mang tính chất hung hăng, có chủ đích bởi một người hoặc một nhóm người nào đó lặp đi lặp lại qua thời gian lên một cá nhân khác khi họ không có khả năng tự bảo vệ chính mình.
Mặc dù về cơ bản, bắt nạt qua mạng giống với bắt nạt thông thường, nhưng có một điểm cần lưu ý: Nạn nhân của bắt nạt qua mạng thường không biết danh tính của những kẻ bắt nạt mình, hoặc vì sao những kẻ đó lại nhắm vào họ. Sự quấy rối này có thể có những tổn hại và ảnh hưởng lớn hơn so với bắt nạt truyền thống, vì nội dung được dùng để làm phiền nạn nhân có thể được lan tỏa và chia sẻ rộng rãi hơn rất nhiều. Nạn nhân đôi lúc còn tiếp xúc với những sự quấy rối này bất cứ khi nào họ lên mạng hoặc mở điện thoại, máy tính để kiểm tra tin nhắn, emails v.v… không như bắt nạt thông thường – khi mà kẻ bắt nạt thường xuyên phải ở một khoảng cách vật lý gần với nạn nhân.
Những dạng cơ bản của bắt nạt qua mạng
Gửi những thông điệp hoặc tin nhắn có nội dung xấu tới email hoặc điện thoại di động tới một ai đó.
Phát tán những tin đồn nhảm, có tính chất xúc phạm và làm nhục qua mạng.
Gửi những tin nhắn gây tổn thương hoặc đe dọa lên các trang mạng xã hội hoặc các trang web/blog.
Lấy trộm thông tin cá nhân của ai đó rồi lẻn vào tài khoản của họ để phá hoại hoặc gửi những thông điệp gây hại.
Làm giả một ai đó khác trên mạng để làm tổn thương người khác.
Lấy những bức hình/clip riêng tư hoặc không được đẹp của một ai đó rồi lan truyền qua Internet và mạng xã hội.
Nhắn tin gợi dục (mà chưa có sự đồng thuận) hoặc lưu hành những hình ảnh hoặc tin nhắn khêu gợi tình dục về một ai đó.
Tác hại của làm nhục và bắt nạt qua mạng
Bắt nạt qua mạng thường để lại nhiều hậu quả nặng nề đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Nó có thể dẫn tới rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, tự làm đau bản thân (self-harm) và thậm chí tự tử.
Nạn nhân thường thiếu tự tin và tổn thương lòng tự trọng nặng nề, có cảm giác sợ hãi, buồn bã, tức giận nhiều hơn sau khi bị bắt nạt. Chưa kể, một khi đã xuất hiện trên mạng thì những nội dung như vậy thường lưu lại rất lâu sau đó và rất khó để thoát khỏi nó. Nỗi đau gây ra bởi bắt nạt qua mạng là rất lớn và không thể lường trước được.
Nguồn: Sưu tầm
Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng một số thống kê cho rằng, những hành vi như trên vẫn ngày một gia tăng. Quá nửa thanh thiếu niên đã từng bị bắt nạt qua mạng ít nhất một lần. Cứ 3 người thì có nhiều hơn 1 người trẻ đã từng bị đe dọa qua mạng. Trên 25% thanh thiếu niên đã từng hoặc đang bị bắt nạt lặp đi lặp lại qua thiết bị di động hoặc mạng Internet. Quá nửa những thanh thiếu niên bị bắt nạt qua mạng không nói cho cha mẹ biết khi mình bị bắt nạt.
Những ví dụ đáng lo ngại
“Giữa tháng 6/2015, nữ sinh N.T.A.T, 15 tuổi, ở Đồng Nai, bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Chỉ trong hai ngày, có gần 300.000 người xem, 18.000 likes, 4.000 lượt shares, hàng ngàn bình luận, vừa đay nghiến vừa cợt nhả. “Hàng ngon thế!” và “Đẹp mặt chưa bé gái!” và “Bị tung clip là đáng, mới tí tuổi đã đua đòi”. Bố mẹ T van xin cộng đồng mạng “hãy tha cho cháu”. Cộng đồng mạng lại càng đổ xô vào, cùng nhau khui ra trang Facebook của T và bạn trai. Hàng ngàn người follow T, đưa nhau các ảnh cá nhân, bình phẩm về cơ thể của T, gọi cô là bán dâm chuyên nghiệp, và rủa: “Chết đi đồ hư hỏng”. Hai hôm sau, T uống thuốc diệt cỏ tự tử. Sau cái chết của T, người ta vẫn tiếp tục dè bỉu “không biết giữ mình thì bây giờ trách ai?” hoặc “có ai bắt nó phải chết đâu”” (Theo bài báo của tác giả Giang Đặng)
Em Bùi Q. H., học sinh một trường THCS tại Yên Bái, vào ngày 17/9/2016 sau khi đi học về đã bị một nhóm thanh niên chặn lại ở cổng trường và đánh đập liên tiếp bằng tuýp cao su. Sau đó, bắt em quỳ và chắp tay xin tha trong khi có rất nhiều bạn bè trong trường qua lại. Chưa dừng lại ở đó, clip em bị đánh còn được tung lên mạng. Em H. bị chẩn đoán chấn động não và tổn thương nặng nề về tâm lý. Sau khi về nhà, em cảm thấy xấu hổ vì nhiều người nhìn thấy mình quỳ gối. Ngày 24/9, em thấy clip mình bị đánh được phát tán lên mạng và ngày 25/9, mẹ của em đã phát hiện con mình treo cổ tự tử.
Về nguyên nhân, “Nhiều thập kỷ về trước, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong suy nghĩ thông thường người ta lăng mạ những người khác chỉ để bản thân cảm thấy khá hơn. Khi bạn lăng mạ hay chỉ trích người khác, điều này có thể nói lên cách bạn nghĩ về bản thân mình nhiều hơn người mà bạn chỉ trích.”
“Chính sự độc ác ấy đã khiến cho hung thủ không được trừng phạt thích đáng và nạn quấy rối tình dục, xâm hại, xúc phạm nặng nề như trên không được đưa ra ánh sáng. Về phía nạn nhân, họ thấy hoảng sợ vô cùng, họ thấy rằng mình thật sự là người có lỗi, họ thấy vô vọng, thấy rằng tưởng như không còn một ai đứng về phía họ và bảo vệ họ nữa mà thay vào đó sẽ là hùa cùng với số đông chửi bới, trù dập, mắng mỏ, mỉa mai họ và gia đình họ” – cô bé tìm đến BMVN hôm trước đã có chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Vì vậy, mỗi người trong chúng ta cần phải là độc giả thông thái hơn với các bài đăng mạng bằng cách học sự cảm thông và chia sẻ trên tình thần yêu thương. Một lời phán xét của chúng ta đã là nặng nề rồi, nếu là hạ nhục, xúc phạm và dọa dẫm còn đáng sợ hơn nữa. Và mạng xã hội là một công cụ rất quyền lực vì chúng cung cấp những chiếc mặt nạ để người ta có thể giấu mình và tha hồ hành hạ người khác. Thế nhưng, chúng ta có thể biến những thông điệp tích cực thành những làn sóng khổng lồ, đẩy bay những gì tiêu cực, những thứ xấu ác trong xã hội này. Hãy bảo vệ con cái, bạn bè, anh chị em và cả những người lạ mặt chúng ta không biết. Bởi, có thể họ đã và đang có những trận chiến mà chẳng ai có thể biết được rằng chúng đáng sợ thế nào.